Vai trò của Nhà nước với nông nghiệp không phải lo tăng cung mà lo tăng cầu tiêu thụ. Bởi vậy, Nhà nước cần tập trung vào những loại nông sản chất lượng cao, nâng cao thu nhập cho người dân, cân bằng được cung cầu về nông sản.

          Ngành nông nghiệp nước ta hiện nay đã có nhiều chính sách quan tâm, hỗ trợ cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn nhưng chưa chú trọng đến hỗ trợ thị trường tiêu thụ. Vì vậy, người nông dân chưa có định hướng sản xuất theo quy luật của thị trường, hàng hóa sản xuất càng nhiều thì sản phẩm càng rẻ nên sản xuất thừa nông sản là hệ quả tất yếu.

          Đời sống đô thị thay đổi nhanh chóng, nhu cầu tiêu thụ nông sản thay đổi thì ngành nông nghiệp, khu vực nông thôn chậm chuyển đổi nên không theo kịp nhu cầu xã hội.

          Ruộng lúa, ruộng ngô, ruộng rau màu vẫn phương thức sản xuất cũ, trong khi chỉ tiêu thụ được một phần các loại nông sản tại đô thị vì cư dân đô thị không còn dùng nhiều ngô, nhiều gạo như trước nữa. Họ có nhu cầu cao hơn về các loại nông sản như trái cây, hoa, … thì khu vực nông thôn chỉ đáp ứng được một phần, phần còn lại phải nhập khẩu từ nước ngoài. Thừa nông sản nhưng người nông dân vẫn khó khăn, họ chật vật để sản xuất ra những loại nông sản giá rẻ.

          Hàng chục năm qua người nông dân cứ loay hoay thay đổi. Nhưng thực tế họ có mỗi một cách là thay đổi theo kiểu trồng cây nọ, nuôi con kia, do họ không có đủ khả năng thay đổi khoa học công nghệ trong sản xuất, thay đổi được cơ sở hạ tầng, trình độ lao động, cơ giới hóa trong sản xuất,…

     Cơ giới hóa nâng cao hiệu quả trong sản xuất tại HTX Đồng Vàng (Gia Bình)

          Người nông dân mỗi khi gặp vụ nông sản giá rẻ lại nghĩ mình trồng chưa đúng cây, nuôi chưa đúng con. Họ nghĩ nếu trồng cây khác, nuôi con khác sẽ hay hơn, năng suất cao hơn. Vì vậy nông dân rơi vào vòng luẩn quẩn trồng xong chặt, cứ cây nào trồng ít, con nào nuôi ít, giá cao thì đua nhau nhảy vào nuôi trồng.

          Đến khi quy mô sản lượng lớn, giá bản giảm, rớt giá lại chặt đi để trồng cây khác, nuôi con khác. Vòng luẩn quẩn này phá hoại ghê gớm sức sản xuất trong nông nghiệp.

          Chính sách hỗ trợ với nông nghiệp vẫn nặng nề về hỗ trợ đầu vào, lo cho nông dân từ giống cây trồng, nước tưới, đủ thứ đầu vào khác để họ sản xuất … điều này giờ doanh nghiệp tư nhân làm tốt hơn nhà nước. Cái doanh nghiệp làm được là tạo lập thị trường tiêu thụ nông sản thì nhà nước chưa chú trọng đúng mức.

          Bởi vậy, Nhà nước cần có những chính sách tập trung phát triển vùng nông nghiệp trọng điểm, hướng công nghiệp và dịch vụ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nâng tầm nông nghiệp như vậy ngành nông nghiệp sẽ thay đổi. Thừa cung nông sản trong nông nghiệp suy cho cùng là biểu hiệu của mô hình tăng trưởng còn bất cập, giải cứu nông sản chỉ là biểu hiện của thừa cung.

          Sau đợt dịch Covid-19 nhiều nước đều nghĩ tới việc xây dựng, định hình lại cơ cấu kinh tế, chuỗi cung ứng, sản xuất hạn chế phụ thuộc nhau, tránh bị tác động từ bên ngoài. Đây là lúc Việt Nam cần tính toán lại chiến lược phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung nâng cao giá trị nông sản, hình thành các chuỗi cung ứng sản xuất, đa dạng hóa nguồn cung, đánh giá đúng vai trò của thị trường trong nước, hạn chế lệ thuộc bên ngoài.

Vũ văn Chung