Khó khăn với các nông hộ nuôi cá lồng khi giá thức ăn nuôi trồng thủy sản tăng cao

08/12/2022 15:50 Số lượt xem: 87

Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), cả nước hiện có 121 cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản đã được cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất. Trong đó, 58 cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài, 63 cơ sở trong nước với tổng công suất gần 10 triệu tấn/năm.

          Từ giữa năm 2020 đến nay, giá nguyên liệu làm thức ăn nuôi trồng thủy sản tăng cao (Các loại nguyên liệu này chủ yếu là bột cá, cám gạo, tấm, dầu gạo, bột mỳ, hỗn hợp khoáng…) khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất không thể mua được nguyên liệu theo quý, theo năm như trước. Theo đó, các doanh nghiệp chỉ có thể mua theo từng tháng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.

          Ghi nhận tại một số đơn vị doanh nghiệp sản xuất cám, giá nguyên liệu tăng bình quân khoảng 21% so với cùng kỳ năm 2020. Một số nguyên liệu tăng cao nhất có thể kể đến như: Bã nành, lecithin (phụ gia), dầu cá nước ngọt, bột thịt gà, sắn lát, cám gạo nguyên dầu… Điều này dẫn đến giá một số loại thức ăn thủy sản cũng tăng từ 1.000 - 1.700 đồng/kg.

          Nguyên nhân khiến giá nguyên liệu và thức ăn thủy sản tăng, theo Bộ NN&PTNT là do nguyên liệu sản xuất thức ăn như bột cá, ngũ cốc, đậu tương, phụ gia, khô dầu chủ yếu được nhập khẩu (chiếm 70 - 80%). Giá nguyên liệu tăng cao do dịch Covid-19 tác động đến logistic toàn cầu, khiến cước vận chuyển tăng mạnh.

          Đáng chú ý, có hiện tượng Trung Quốc đột ngột mua nguyên liệu thức ăn nuôi trồng thủy sản với số lượng lớn dẫn đến giá tăng trên quy mô toàn cầu ở mức độ bất thường. Trong khi đó, nhiều loại nguyên liệu Việt Nam không chủ động được lại là thế mạnh của nhiều quốc gia đang bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 khiến việc giao thương bị đình trệ, nhất là việc thiếu container.

          Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh diện tích nuôi trong ao ước đạt hơn 4.800 ha; số lượng lồng nuôi trên sông là 2.409 lồng (tăng 142 lồng so với năm 2020). Toàn tỉnh cũng đã hình thành 165 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô 10 ha trở lên. Nhiều tiến bộ kỹ thuật mới được áp dụng trong nuôi trồng thủy sản như: Công nghệ cân bằng ni tơ, các bon, công nghệ sông trong ao, nuôi tuần hoàn tiết kiệm nước, nuôi cá thâm canh trong bể…góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

http://cdn.thaibinhtv.vn/upload/news/1_2021/1_11205623012021.jpg

Thành viên HTX dịch vụ tổng hợp Xuân Tùng cho cá ăn

Trong thời gian qua giá thức ăn nuôi trồng thủy sản tăng cao, đồng thời do ảnh hưởng của dịch Covid-19 các nhà hàng, các dịch vụ bị hạn chế dẫn tới giá cá giảm so với các năm, đã ảnh hưởng nhiều tới năng suất và sản lượng cá trên địa bàn tỉnh, nhiều hộ chăn nuôi cầm chừng, có một số hộ nhất là trong ao ngừng sản xuất.

          Để duy trì và phát triển ngành thủy sản của tỉnh đề nghị các cấp các ngànhtriển khai đồng bộ các giải pháp nhằm kiểm soát chất lượng và giá thức ăn thủy sản, giúp cho người nuôi trồng ổn định sản xuất. Tránh lợi dụng để tăng giá bán thức ăn thủy sản bất hợp lý.

          Đồng thời các HTX, các cơ sở sản xuất các hộ chăn nuôi đầu tư phát triển các mô hình liên kết chuỗi để giảm trung gian, giảm giá thành sản xuất thức ăn thủy sản nói riêng, chăn nuôi nói chung. Đồng thời, các doanh nghiệp sản xuất cám tích cực đồng hành, không tăng giá thức ăn để chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi trong giai đoạn hiện nay.

Huy - VP
Nguồn: Tham Khảo: https://kinhtedothi.vn/vi-sao-gia-thuc-an-cho-nuoi-trong-thuy-san-tang-cao.html